Hỗ trợ trực tuyến

Hotline: 0901 01 86 86

  1. Trang chủ

  2. Ý nghĩa loài hoa

Rực trời hoa gạo tháng Ba

Ngày đăng: 08:53:17 20/05/2020
Hoa gạo thường nở rộ vào tháng 3 âm lịch. Màu đỏ rực trời của hoa gạo như những đốm lửa nhỏ tô điểm thêm cho vẻ đẹp đằm thắm và nên thơ của những làng quê Việt Nam. Hoa gạo đi vào lòng người, hoa gạo đi vào thơ ca, nhạc họa. Hãy cùng tìm hiểu thêm về loài hoa này qua bài viết sau đây của chúng tôi.

Đặc điểm sinh học của hoa gạo

Nhiều tài liệu khoa học đã chỉ rõ nguồn gốc của loài cây này. Chúng là loài cây thân gỗ, có chiều cao từ 5 đến 10 mét thường sinh trưởng và phát triển ở vùng Trung Ấn. Sau đó di thực đến vùng hạ lưu các dòng sông ở Malaysia, Indonesia, miền Nam Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan.

hoa gạo tháng 3

Ở Việt Nam, nhiều người con sinh ra và lớn lên ở các làng quê các tỉnh phía Bắc không còn xa lạ với cây hoa gạo. Chúng thường được mọc, được trồng ở các cổng làng, sân đình, sân chùa, bên các giếng làng, hay trên những cánh đồng xa.

Hoa gạo được biết đến với những tên gọi khác như Mộc miên, Hồng miên…Còn đối với đồng bào các tỉnh Tây Nguyên lại thường gọi loài hoa này là hoa Pơ lang.

Hoa gạo cao, thuộc dạng rễ cọc, thân cây mọc thẳng nhưng các cành lại đâm ngang tạo nên thế vững chãi, hoang dại. Trên vỏ cây gạo thường có nhiều gai hình chóp nón, xù xì. Mặc dù thân cây lớn, cành tỏa bóng rộng rãi nhưng lá gạo không um tùm tạo bóng mát như nhiều cây cổ thụ khác. Cũng bởi vì lý do này nên trên nhiều cánh đồng, mỗi khi muốn nghỉ mát, người nông dân ít khi chọn cây gạo làm điểm dừng chân. Dáng vẻ độc đáo của hoa gạo thích hợp nhất với vai trò tô điểm, tạo điểm nhấn linh hồn cho mỗi làng quê.

Cũng như họ bàng, gạo thường trút lá để lại thân cây trơ trụi vào mùa đông. Sang xuân, khi tiết trời ấm áp dần lên, những nụ hoa mới bắt đầu hé nở. Ban đầu chúng chúm chím và bé nhỏ như những búp sen xanh mini, sau đó nhờ ánh nắng ấm cuối xuân mà lớn lên, trở nên phớt hồng, sau đó nở to, đỏ rực như những chén lửa, thắp sáng cả một vùng trời.

Phải nói thêm, trong bầu hoa gạo có những nhị vàng chứa đầy mật ngọt, bởi vậy các loài chim mùa hè thường gọi nhau đến sớm, chúng bay thành đàn, sà lên những chùm hoa, thay nhau hút mật.

Hoa gạo khoe sắc trên dưới gần một tháng, tùy vào điều kiện thời tiết, sau đó, khi hoa tàn thì cây bắt đầu đâm chồi mới, ra lá non. Lá gạo là loại lá kép, thường mọc thành chụm kể từ một cuống nhỏ trung tâm. Giữa màu bàng bạc của mây trời, 5, 6 chiếc lá nhỏ từ một điểm cùng tỏa ra nhiều hướng như những ngôi sao xanh, đẹp và thu hút.

Sự tích và ý nghĩa của hoa gạo

Mang một cái tên dung dị và thân thuộc với tất cả mọi người dân đang sinh sống trên đất nước Việt Nam là hoa gạo nhưng màu sắc của những đóa hoa lại vô cùng rực rỡ, tạo nên điểm nhấn vô cùng đặc biệt trong lòng mọi người mỗi khi nghĩ tới. Phải chăng đó là một nốt son “ chỉ đường”, có ý nghĩa gợi nhắc về một điều gì đó rất mãnh liệt. Đúng như vậy, sự tích hoa gạo chính là câu chuyện kể về tình yêu của cặp trai gái ở chốn thiên đình vào thuở xa xưa. Hai người yêu nhau nhưng bị Ngọc Hoàng và các vị đại thần cấm cản. Vì bị chia rẽ oan ức, cô gái bèn buông mình xuống hạ giới, mang theo chiếc khăn màu đỏ của chàng trai để làm tín vật để chàng trai dễ tìm kiếm. Nàng đã hóa thân thành một loài cây, trên tấm thân mọc gai xù xì tượng trưng cho những oan ức, đau khổ, còn phần tiếp xúc nhiều nhất với đỉnh trời là những bông hoa lại mang màu đỏ rực để người thương từ chốn bồng lai dễ phát hiện ra mỗi khi nhớ nàng mà nhìn xuống hạ giới.

Chính từ sự tích ra đời như vậy mà mỗi khi nhắc đến hoa gạo, người ta sẽ nghĩ ngay đến biểu tượng về một tình yêu chung thủy và nồng nàn. Màu đỏ cũng là màu gợi nhắc đến sự quen thuộc và ấm áp.

Hoa gạo là loài cây hoang dã và cao lớn, không mấy khi xuất hiện ở sân nhà, càng không được bán ở các shop hoa tươi nên các bạn khó mà hái tặng người thương một vài cành hoa gạo để biểu lộ tình cảm. Tuy nhiên, có một cách khác đó là các bạn có thể rủ một nửa của mình đến một nơi nào đó có những cây gạo đẹp vừa để du lịch ngắm cảnh, hít thở bầu không khí trong lành, vừa check in cùng những bông hoa đỏ rực tạo nên những kỷ niệm rực rỡ và ấn tượng của tuổi thanh xuân.

Trong phần tiếp theo chúng tôi sẽ giới thiệu với các bạn những địa điểm có cây gạo đẹp nhất nước ta.

Ngắm hoa gạo đẹp ở đâu?

Thôn Đoan Nữ xã An Mỹ huyện Mỹ Đức, Hà Nội mấy năm nay được biết đến như một điểm du lịch hút khách nhờ phong cảnh hữu tình. Bức tranh làng quê hiện lên với vẻ đẹp hài hòa nhờ màu xanh non ngút mắt của những cánh đồng lúa trải dài, hai bên những con đường là những hàng cây hoa gạo đến mùa khoe sắc đỏ rực, tạo nên vẻ đẹp rực rỡ, ấn tượng cho những khung hình check in của các bạn trẻ.

hoa gạo

Chùa Hương. Chùa Hương vào mùa trẩy hội đẹp như tranh vẽ. Trên nền màu xanh biếc của sông nước, những cây gạo đổ bóng, điểm xuyết những đóa hoa đỏ rực như những đốm lửa đượm nồng khiến những con thuyền đưa khách qua sông càng như lạc vào chốn tiên cảnh.

Đặc biệt, ở Bắc Giang có cây hoa gạo cổ thụ vạn người mê. Đây là địa điểm tham quan, chụp ảnh lý tưởng của nhiều người bởi vẻ hoang dã, cổ thụ nhưng cũng rất trữ tình mềm mại của cây. Trên bờ đê sông Thương, đoạn chạy qua cánh đồng thôn Đông Loan xã Lãng Sơn, cây hoa gạo lừng lững hiện lên như một giai nhân tuyệt tích. Chả thế mà nhiều người kháo nhau nó là cây hoa gạo đẹp nhất vịnh Bắc Bộ.

Ngoài những địa điểm cụ thể trên thì các bạn có thể ghé các làng quê thuộc các tỉnh miền Bắc như Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Hà Giang để check in cùng hoa gạo.

Array